Tìm hiểu các xét nghiệm tiểu đường | Chi phí và địa chỉ làm xét nghiệm

435

Cùng với sự phát triển của xã hội, các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa của cơ thể cũng ngày càng gia tăng, cả về mức độ và số lượng người mắc, đặc biệt là bệnh tiểu đường.

Tỷ lệ mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, biến chứng của nó cũng dễ xảy ra hơn. Bệnh Đái tháo đường là gì, triệu chứng và tiến triển của nó ra sao, cần làm những xét nghiệm tiểu đường nào để phát hiện… hãy cùng Diatarin tìm hiểu ngay dưới đây.

Bệnh đái tháo đường là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay  còn gọi là bệnh tiểu đường, nhìn chung đều chỉ tình trạng đường huyết  trong máu tăng quá mức, liên quan đến hoạt động của hormon insulin (hoạt động kém hiệu quả, không hoạt động hoặc thiếu hụt). Điều này làm rối loạn hàng loạt các chuyển hóa glucose, protein, lipid dẫn đến các bệnh lý đi kèm.

Đái tháo đường là căn bệnh mạn tính, bệnh nhân mắc phải cần sử dụng thuốc suốt đời.

Phân loại Đái tháo đường

Đái tháo đường được chia làm 2 type: Type I và type II. Bên cạnh đó còn có Đái tháo đường trong thai kỳ.

Đái tháo đường type I

ĐTĐ type I là bệnh tiểu đường gây ra bởi sự thiếu hụt Insulin do di truyền hoặc tự miễn. Những đối tượng mắc phải ĐTĐ type I thường là những người trẻ tuổi, cơ thể tự sản sinh kháng thể ức chế tuyến tụy sản xuất insulin. Khi mắc ĐTĐ type I cần phải bổ sung insulin từ bên ngoài, bổ sung lượng thiếu hụt do cơ thể không thể tự sản sinh.

Đái tháo đường type II

Đái tháo đường tuýp II thường gặp ở người cao tuổi
Đái tháo đường tuýp II thường gặp ở người cao tuổi

là bệnh tiểu đường không phụ thuộc Insulin, do tuyến tụy không sản xuất kịp hoặc giảm sản xuất insulin hoặc có sự giảm nhạy cảm của tế bào với hormon này. Đây là loại tiểu đường thứ phát, thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, độ tuổi mắc ĐTĐ type II đang có sự trẻ hóa do tỉ lệ người trẻ tuổi thừa cân béo phì ngày càng gia tăng.

Đái tháo đường thai kỳ

Đây là trường hợp gặp phải ở phụ nữ mang thai, thường xuất hiện ở giữa hoặc cuối thai kỳ. Tỷ lệ mắc căn bệnh này ở phụ nữ mang thai là 2-10%. Nguyên nhân được cho là sự xuất hiện và phát triển của bào thai làm giảm sự nhạy cảm của tế bào với Insulin.

Khi mắc tiểu đường thai kỳ, người mẹ cần kiểm tra thường xuyên và có chế độ ăn uống hợp lý, ăn ít đạm và các thức ăn bổ dưỡng để kiểm soát cân nặng của thai nhi, đồng thời hạn chế biến chứng có thể  xảy ra như tiểu đường type 2 ở mẹ và tiểu đường bẩm sinh ở bé sau khi sinh.

Những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Bệnh ĐTĐ có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào và không phân biệt giới tính. Phần lớn bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình cho tới khi họ đi khám, xét nghiệm. Vì thế, nắm được những nguy cơ là một trong những cách để xác định mình có khả năng mắc phải căn bệnh mạn tính này hay không.

Những người sau đây có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ:

Người béo phì cơ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao
Người béo phì cơ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao
  • Người thừa cân, béo phì, có chỉ số BMI từ 23kg/m2.
  • Vòng bụng to, ở nam trên 90cm, ở nữ trên 80cm.
  • Người đang gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.
  • Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khi đang mang thai.
  • Phụ nữ bị đa nang buồng trứng.
  • Người tăng huyết áp.
  • Những người trên 40 tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường.
  • Lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia và các chất kích thích, lười vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh.

Những dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường đặc trưng bởi dấu hiệu 4 nhiều: ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhiều và đái nhiều. Những biểu hiện này có thể nhạt nhòa hoặc rầm rộ tùy thuộc và mức độ tăng đường huyết cũng như type ĐTĐ mà bệnh nhân gặp phải.

Thông thường, người mắc ĐTĐ type I sẽ gặp các triệu chứng rõ rệt, tiến triển nhanh chóng chỉ sau vài ngày hoặc 1 tuần. ĐTĐ type II các biểu hiện sẽ chậm hơn, thậm chí người bệnh không hề nhận thấy sự thay đổi nào cho tới khi thực hiện các xét nghiệm kiểm tra.

Nhìn chung, người mắc bệnh tiểu đường thường gặp các triệu chứng chung:

Một số dấu hiệu bên ngoài cho thấy bạn mắc bệnh tiểu đường
Một số dấu hiệu bên ngoài cho thấy bạn mắc bệnh tiểu đường
  • Thường xuyên cảm thấy đói và mệt mỏi: Tế bào cần glucose để chuyển hóa tạo năng lượng. Glucose muốn vào bên trong tế bào cần có insulin. Khi lượng insulin không đủ hoặc hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng hấp thu glucose của tế bào để tạo năng lượng cho các hoạt động hàng ngày. Do đó, mặc dù bạn ăn nhiều nhưng vẫn cảm thấy đói và thường xuyên mệt mỏi.
  • Khát nước và đi tiểu nhiều hơn, đi tiểu ra đường.
  • Có thể gặp những biểu hiện bên ngoài như ngứa, khô miệng.
  • Giảm cân bất thường.
  • Vết thương, vết loét lâu lành.

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Hiện nay, có 4 loại xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường rất phổ biến ở Việt Nam: Định lượng đường huyết lúc đói, định lượng đường huyết ở thời điểm bất kỳ, định lượng HbA1c và nghiệm pháp dung nạp glucose.

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn 1 trong 4 xét nghiệm trên. Tuy nhiên, để khẳng định bạn mắc bệnh tiểu đường hay không cần thực hiện xét nghiệm 2 lần, mỗi lần cách nhau 1-7 ngày.

Định lượng đường huyết lúc đói

Xét nghiệm này thường thực hiện vào buổi sáng và yêu cầu người bệnh nhịn ăn sáng trước khi thực hiện.

Bình thường, đường huyết lúc đói ở mức thấp hơn 5.6mmol/L.

Nếu đường huyết lúc đói nằm trong khoảng từ 5.6-6.9mmol/L sẽ được coi là tiền tiểu đường.

Nếu kết quả xét nghiệm này cao hơn 6.9mmol/L trong 2 lần xét nghiệm gần nhất, là bạn đã mắc bệnh tiểu đường.

Định lượng đường huyết ở thời điểm bất kỳ

Xét nghiệm định lượng đường huyết
Xét nghiệm định lượng đường huyết

Xét nghiệm này không đòi hỏi phải nhịn ăn. Bệnh nhân được lấy máu ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Bình thường, chỉ số này nhỏ hơn 7.8mmol/L.
Nếu kết quả cao hơn 11mmol/L, là bạn đã mắc bệnh tiểu đường.

Xét nghiệm này thường không sử dụng để chẩn đoán tiền tiểu đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose

Xét nghiệm này được thực hiện như sau: Bệnh nhân cần nhịn ăn qua đêm, sau đó uống 70g đường. 2h sau lấy máu xét nghiệm xác định lượng đường trong máu.

Bình thường, chỉ số này ở mức nhỏ hơn 7.8mmol/L.

Nếu kết quả nằm trong khoảng từ 7.8-11mmol/L được coi là tiền tiểu đường.

Trường hợp kết quả lớn hơn 11mmol/l được coi là mắc bệnh tiểu đường.

Định lượng HbA1c

Xét nghiệm tiểu đường HbA1C
Xét nghiệm tiểu đường HbA1C

Xét nghiệm này nhằm xác định lượng glucose gắn với hemoglobin của tế bào hồng cầu, là cách tương đối chính xác để xác định lượng đường huyết trung bình trong thời gian 2-3 tháng trước thời điểm đo.

Bình thường, chỉ số này thấp hơn 5.7%.

Tiền tiểu đường nếu chỉ số này ở mức từ 5,7-6,4%.

Tiểu đường nếu chỉ số này vượt ngưỡng 6.4%.

Xem thêm bài viết sau để hiểu hơn về xét nghiệm HbA1C:

Chỉ số đường huyết HbA1c là gì? Ý nghĩa, Ưu điểm, Yếu tố ảnh hưởng

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Như đã trình bày, phụ nữ đang mang thai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm ngay sau khi sinh. Vì thế, các bà mẹ nên chủ động xét nghiệm khi đến giữa và cuối thai kỳ để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.

Phụ nữ có thai nên đi làm các xét nghiệm tiểu đường tránh tiểu đường thai kỳ
Phụ nữ có thai nên đi làm các xét nghiệm tiểu đường tránh tiểu đường thai kỳ

Những người có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ bao gồm:

  • Phụ nữ đã từng mắc tiểu đường thai kỳ trong những lần sinh con trước đó.
  • Phụ nữ mang thai có sự tăng cân quá mức, phụ nữ có thể trạng thừa cân, béo phì.
  • Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trước khi mang thai.

Các xét nghiệm cần thực hiện bao gồm định lượng đường huyết lúc đói và nghiệm pháp dung nạp glucose sau 1h và 2h.

Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Dấu hiệu bệnh & Các xét nghiệm

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Cách thực hiện xét nghiệm này hoàn toàn giống với xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ thông thường.

Chỉ số này là bình thường ở phụ nữ có thai là nhỏ hơn 5.1mmol/L.

Xác định tiểu đường thai kỳ nếu kết quả vượt ngưỡng 5.1mmol/L.

Nghiệm pháp dung nạp glucose

Cách thực hiện xét nghiệm như sau: Bạn cần nhịn ăn qua đêm, sau đó sẽ uống 70g đường. Sau 1h và 2h sẽ lấy máu xác định lượng glucose để chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ.

Bình thường, đường huyết sau 1h đo được ở phụ nữ có thai khi thực hiện nghiệm pháp này là dưới 10mmol/L, và sau 2h là dưới 8.5mmol/L.

Chỉ cần một trong hai chỉ số trên đều vượt ngưỡng bình thường, là bạn đã gặp phải tiểu đường thai kỳ.

Những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh chuyển hóa có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào. Vì thế việc thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán là điều nên làm, đặc biệt là ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Xét nghiệm là phương pháp tin cậy để chẩn đoán tiểu đường, cũng là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình điều trị bệnh.

Mặt khác, nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền tiểu đường, người bệnh có thể chưa cần dùng thuốc. Lúc này việc quan trọng là điều chỉnh chế độ ăn hạn chế glucose và tinh bột, thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực để ổn định đường huyết và phòng ngừa những biến chứng của bệnh tiểu đường.

Thời gian nào nên kiểm tra lượng đường máu và sàng lọc bệnh tiểu đường

Theo khuyến cáo, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng 1 lần. Từ đó có thể kịp thời phát hiện những vấn đề sức khỏe bất thường, trong có có cả bệnh tiểu đường.

Đối với những người đã có dấu hiệu của bệnh tiểu đường như đói nhiều, mệt mỏi, người gầy sút nhanh… hoặc có biến chứng như đục thủy tinh thể, các vết loét lâu lành và lan rộng, cần thực hiện ngay xét nghiệm tiểu đường.

Phụ nữ mang thai nên làm xét nghiệm để loại trừ khả năng mắc tiểu đường thai kỳ, đặc biệt trên những đối tượng có nguy cơ cao. Xét nghiệm này nên thực hiện ở tuần thứ 22-28 của thai kỳ.

Đối với những người đang mắc bệnh tiểu đường, cần định kỳ kiểm tra lượng đường máu hàng tháng. Điều này giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết và giảm thiểu những biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra.

Những lưu ý trước khi làm xét nghiệm tiểu đường

Tại các cơ sở y tế, các xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc nghiệm pháp glucose để chẩn đoán bệnh tiểu đường là phổ biến. Trước khi thực hiện các xét nghiệm này, bạn cần nhịn ăn hoàn toàn khoảng 8-10 tiếng.

Do đó, bạn nên đi xét nghiệm vào buổi sáng và không ăn thêm bất cứ thứ gì sau bữa tối hôm trước. Thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới độ chính xác của xét nghiệm.

Bạn không nên quá lo lắng hay căng thẳng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn. Vì thế hãy luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ thật ngon và đừng lo lắng.

Trong trường hợp bạn đang sử dụng một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông máu và corticoid… làm ảnh hưởng tới nồng độ glucose, cần thông báo với bác sĩ. Tốt nhất trước khi làm xét nghiệm, nên báo cho bác sĩ tất cả các thuốc bạn đang uống.

Làm xét nghiệm tiểu đường ở đâu?

Bạn có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường ở các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Đây là loại xét nghiệm thường quy và là xét nghiệm không thể thiếu. Việc thực hiện các xét nghiệm này thường khá đơn giản và nhanh chóng cho kết quả.

Nếu bạn muốn thực hiện xét nghiệm định lượng HbA1c, nên tới các cơ sở y tế tuyến tỉnh được trang bị sẵn máy xét nghiệm chỉ số này.

Chi phí xét nghiệm tiểu đường

Chi phí các xét nghiệm đái tháo đường
Chi phí các xét nghiệm đái tháo đường

Tùy thuộc vào cơ sở mà bạn thực hiện xét nghiệm, chi phí sẽ ở mức khác nhau.

Xét nghiệm tiểu đường thông thường sẽ được bảo hiểm y tế chi trả nếu bạn có bảo hiểm y tế và khám đúng tuyến.

Nếu bạn không có bảo hiểm y tế hoặc không muốn chờ đợi lâu, có thể tự nguyện làm các xét nghiệm này tại cơ sở y tế uy tín bất kỳ với giá khoảng từ 50.000 – 150.000 đồng/ chỉ số.

Định lượng HbA1c thường có giá cao hơn các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường khác.

Trên đây là những tổng hợp của chúng tôi về xét nghiệm chẩn đoán bệnh tiểu đường. Hi vọng, bài viết sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích để nhanh chóng phát hiện và phòng ngừa căn bệnh mạn tính này.

Xem thêm: 10+ Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả và dễ thực hiện