Hạ đường huyết là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng, cách xử trí, phòng tránh

841

Như chúng ta đã biết, căn bệnh đái tháo đường có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đến cơ thể. Điển hình trong số đó là hiện tượng hạ đường huyết thường xuyên của người bệnh. Tình trạng này nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, Diatarin sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tình trạng hạ đường huyết qua bài viết dưới đây.

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là một tình trạng hàm lượng đường trong máu xuống dưới ngưỡng quy định là 3,9 mmol/l hay 70mg/dl. Việc này làm cơ thể không được cung cấp đầy đủ glucose cho các hoạt động bình thường dẫn đến một số rối loạn đến cơ thể. Nếu phát hiện người gặp phải tình trạng này, bạn cần phải xử trí hết sức nhanh chóng để hạn chế tối thiểu những biến chứng mà nó gây ra. Nếu xử trí quá muộn có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Do tăng Insulin và uống thuốc hạ đường huyết

Hạ đường huyết là một biến chứng rất hay gặp đối với bệnh nhân bị mắc bệnh tiểu đường khi điều trị bằng Insulin. Khả năng hấp thu của loại hormoon này ở những lần tiêm khác nhau sẽ rất khác nhau. Một số yếu tố có thể tích đẩy nồng độ của nó đạt tới đỉnh trong huyết tương. Hoặc bệnh nhân tự thay đổi loại Insulin khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, tình trạng tăng Insulin còn có thể gặp phải do một số trường hợp thường gặp khác như cơ thể bị giảm điều hòa Insulin khi nhiễm trùng hoặc bà bầu. Hay cơ thể bị nhạy cảm với Insulin (có thể nguyên nhân do giảm cân, vận động mạnh).

Hiện tượng tụt đường huyết do uống thuốc thường ít gặp hơn nhưng những đối tượng này lại dễ gặp phải những biến chứng nặng nề hơn.

Trường hợp hạ đường huyết rất hay xảy ra đối với người bị tiểu đường sử dụng thuốc uống nhưng ăn ít hoặc ăn quá bữa.

Làm việc gắng sức

Làm việc gắng sức trong thời gian dài có thể làm bạn bị hạ đường huyết
Làm việc gắng sức trong thời gian dài có thể làm bạn bị hạ đường huyết

Không chỉ riêng đối với người mắc bệnh đái tháo đường mà ngay cả đối với người không mắc bệnh này, nếu cơ thể ốm yếu mà phải làm việc gắng sức trong thời gian dài cũng có thể bị tụt đường huyết.

Rượu

Rượu cũng là một nguyên nhân làm hạ đường huyết. Alcol trong rượu có thể làm hạn chế quá trình sản sinh đường của cơ thể. Đặc biệt, khi sử dụng rượu bia sẽ làm rối loạn các triệu chứng nhận biết người hạ đường huyết. Và đặc biệt, người uống rượu thường không ăn mà đi ngủ ngay sau đó, dẫn đến khả năng bị tụt đường huyết là rất cao.

Thiếu hụt nội tiết tố

Nếu các cơ quan tiết hormone quan trọng như tuyến thượng thận, tuyến yên bị rối loạn có thể làm ảnh hưởng đến việc điều chỉnh glucose. Ngay cả trẻ em cũng có thể mắc trường hợp này nếu thiếu hormon tăng trưởng.

Các yếu tố thuận lợi dẫn đến hạ đường huyết

Bệnh nhân không có hiểu biết cũng như không được hướng dẫn cẩn thận hay người bị tiểu đường không tuân thủ việc uống thuốc, chế độ ăn không đảm bảm. Những nguyên nhân này thường gặp đối với người bị hạ đường huyết.

Cố gắng giữ nồng độ đường huyết bình thường: Một trường hợp khá hay gặp đó là người bệnh cố gắng kiểm soát đường huyết hay HbA1c như bình thường nhưng áp dụng không phù hợp. Thường gặp nhất là người hạn chế ăn quá mức trong khi vẫn dùng Insuline.

Người mắc bệnh đái tháo đường lâu ngày làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh, thể dịch. Từ đó dẫn đến một số rối loạn cảnh báo tụt đường huyết trên cơ thể. Bên cạnh đó, người hạ đường huyết nhiều lần sẽ dần đến mất cảm giác về các dấu hiệu nên khó nhận biết.

Hạ đường huyết không có biểu hiện: Bệnh nhân bị tiểu đường type 1 đôi lúc bị hôn mê, co giật mà không hề có những triệu chứng cảnh báo trước. Trường hợp này thường là những triệu chứng đó đơn giản, nặng dần theo thời gian nên khó để người bệnh nhận biết.

Hạ đường huyết có thể dẫn đến tình trạng hôn mê
Hạ đường huyết có thể dẫn đến tình trạng hôn mê

Bị tụt đường huyết vào ban đêm, sáng dậy mới phát hiện các dấu hiệu.

Người có tiền sử hạ đường huyết nặng: Những người đã từng bị tụt đường huyết nặng, để lại biến chứng nặng nề có thể gây ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể đối với hạ đường huyết. Làm nặng thêm trường hợp hạ đường huyết sau đó mà khó phát hiện được.

Ngoài ra bệnh nhận bị suy thận và suy gan dễ bị hạ đường huyết hơn người bình thường.

Triệu chứng, biểu hiện của hạ đường huyết

Biểu hiện chung trên cơ thể, dễ nhận biết:

  • Bệnh nhân thấy thiếu năng lượng đột ngột, mệt không giải thích được.
  • Bị chóng mặt, đau đầu.
  • Tay chân yếu, khó di chuyển.
  • Da xanh xao, tái nhạt.
  • Cơ thể bị vã mồ hôi và thường ở trán, nách, lòng bàn tay.
  • Lo lắng, hồi hộp đánh trống ngực, không giữ được bình tĩnh.
  • Miệng tăng tiết nước bọt.
  • Có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng.
  • Run chân, run tay.

Dấu hiệu về tim mạch

  • Tim đập nhanh
  • Có thể bị đau thắt ngực, nặng ngực.

Dấu hiệu về đường tiêu hóa

Đói cồn cào, vùng dạ dày có cảm giác nóng rát cùng với cơn đau co thắt, đau vùng thượng vị của bụng. Cũng có thể kèm theo buồn nôn.

Dấu hiệu về hệ thần kinh

Bệnh nhân có dấu hiệu bị kích động, ảo giác, nói cười vô ý thức, rối loạn đa nhân cách.

Hạ đường huyết có ảnh hưởng đến thần kinh
Hạ đường huyết có ảnh hưởng đến thần kinh

Nếu bệnh nhân bị nặng có thể bị co giật kiểu động kinh khu trú hoặc toàn thân.

Dấu hiệu thần kinh khu trú là bị liệt nửa người, thần kinh sọ bị tổn thương. Các cảm giác cùng vận động bị rối loạn, khó điều chỉnh. Mắt có thể mờ, hoa mắt.

Hôn mê hạ đường huyết

Nếu bệnh nhân đã hôn mê thường là ở giai đoạn nặng, tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột mà không có dấu hiệu nhưng ít xảy ra. Thông thường tình trạng này xuất hiện sau những triệu chứng trên nhưng không được xử trí kịp thời.

Chuẩn đoán

Phương pháp chuẩn đoán chính xác nhất là đo đường huyết của bệnh nhân bằng máy đo. Chỉ số hạ đường huyết là nồng độ Glucose trong máu < 70mg/dl (3,9 mmol/l).

Nếu nghi ngờ người bệnh bị tụt đường huyết, bạn cũng có thể thử điều trị bằng việc cho người bệnh uống nước đường. Nếu bệnh nhân trở lại bình thường, chuẩn đoán chính xác.

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Nếu người bệnh bị hạ đường huyết nhưng không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.

Người bệnh nặng có thể bị tai biến mạch máu não, xuất huyết não dẫn đến liệt các cơ quan trong cơ thể. Nếu chưa ảnh hưởng nhiều thì vẫn có thể hồi phục. Nhưng có trường hợp không thể hồi phục mà có thể liệt nửa người hoặc cũng có thể liệt toàn thân.

Chính vì vậy nếu thấy có hiện tượng hạ đường huyết cần phải xử trí thật nhanh chóng.

Tụt đường huyết có thể dẫn đến rối loạn cử động
Tụt đường huyết có thể dẫn đến rối loạn cử động

Xem thêm: Biến chứng bệnh tiểu đường: Cơ chế, thời gian biến chứng ở da, ở chân.

Cách xử trí khi bị hạ đường huyết và điều trị

Xử trí tại nhà

Với những trường hợp hạ đường huyết đột ngột, bệnh nhân cần được chuẩn đoán và xử trí nhanh chóng bằng cách: Cho bệnh nhân ăn ngay 1 viên kẹo ngọt hoặc 1 chiếc bánh. Nếu không, bạn có thể pha nước đường cho bệnh nhân uống, tối thiếu 15g đường (3 thìa đường pha với nước).

Đối với bệnh nhân bị nặng cũng cần phải cung cấp lượng đường cho cơ thể như trên rồi mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Điều trị

Nếu bệnh nhân trong bệnh viện, cần được xử trí như sau:

Ngừng thuốc Insuline mà người bệnh đang dùng.

Đối với trường hợp nhé, người tỉnh táo thì nên đưa bệnh nhân ăn những thực phẩm có đường, đơn giản là một chiếc kẹo ngọt.

Đối với trường hợp nặng, không còn tỉnh táo, không thể sử dụng đường miệng để ăn uống cần truyền hoặc tiêm Glucose cho bệnh nhân.

Tiêm truyền tĩnh mạch khoảng 20ml đến 50ml dung dịch glucose 30%, có thể tiêm truyền lần 2 nếu bệnh nhân chưa tỉnh.

Nếu bệnh nhân đã tỉnh cần truyền Glucose 5% hoặc 10% để duy trì lượng đường > 5,6 mmol/l.

Đối với người đã nặng, không còn khả năng ăn uống cũng như không thể truyền qua đường tĩnh mạch ngay cho bệnh nhân bạn có thể tiêm 1mg Glucagon bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da.

Khi bệnh nhân đã tỉnh cần cho ăn, uống đầy đủ bữa, kiểm tra thường xuyên đường huyết để theo dõi, 4 giờ mỗi lần để tránh glucose máu quá cao.

Hãy liên tục kiểm tra đường huyết của mình
Hãy liên tục kiểm tra đường huyết của mình

Nếu bệnh nhân bị hôn mê kéo dài do biến chứng, cấp cứu muộn như phù não, tai biến cần phải duy trì glucose máu bằng việc truyền dung dịch Glucose 10% kết hợp với phương pháp chống phù não.

Cách phòng tránh hạ đường huyết

Người bệnh cùng người thân cần phải được hướng dẫn đầy đủ các dấu hiệu phát hiện cũng như cách xử trí khi bệnh nhân bị hạ đường huyết.

Luôn luôn kiểm tra, mang theo vài viên kẹo hoặc miếng đường mỗi khi ra khỏi nhà.

Hạ chế uống rượu bia, đặc biệt không được chỉ uống rượu mà không ăn hoặc ăn ít.

Phải kiểm tra đường huyết ngay nếu ăn không còn cảm thấy ngon hoặc ăn ít hơn bình thường hay vận động nặng trong thời gian dài.

Đối với phụ nữ cần lưu ý hơn trong thời gian bị kinh nguyệt.

Thông báo tình trạng bệnh của mình với bạn bè, người thân, đồng nghiệp.

Luôn mang theo người thẻ tiểu đường, số điện thoại của người thân và của bác sĩ điều trị của mình.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ tụt đường huyết cần ăn ngay một viên kẹo, hoặc ăn hoa quả, uống nước đường.

Thông báo cho bác sĩ điều trị của mình.

Khi nào cần gặp bác sĩ ngay?

Nếu bạn xuất hiện triệu chứng hạ đường huyết mà không hề bị đái tháo đường thì cần phải gặp bác sĩ ngay để nhận đường sự giúp đỡ.

Ngoài ra nếu bạn bị tiểu đường thường được điều trị hạ đường huyết ban đầu là ăn kẹo, uống nước đường, glucose viên. Nhưng trong trường hợp liệu pháp này không giúp tăng glucose máu, không cải thiện được các triệu chứng thì cần liên hệ ngay tới bác sĩ để được tư vấn và điều trị theo phương pháp khác.

Nếu bệnh nhân đã có tiền sử bị hạ đường huyết, tái phát nặng làm mất ý thức cần phải cấp cứu ngay.

Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng hạ đường huyết. Nếu bạn hoặc người nhà của bạn đang bị bênh đái tháo đường cần phải tìm hiểu và biết cách xử trí kịp thời khi mắc trường hợp này.